Cụ thể, trong văn bản góp ý kiến Báo cáo rà soát, đánh giá đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2060, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) một lần nữa nêu đề xuất làm cầu vượt biển Cần Giờ.
"Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối Cần Giờ với Vũng Tàu, bổ sung vào quy hoạch đường ven biển phía Đông từ TP.HCM đến tỉnh Kiên Giang, đồng thời cũng là điểm nhấn kiến trúc và là cầu cảnh quan, phục vụ du lịch" - văn bản HoREA nêu.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiệp hội chính là đơn vị đưa ra ý tưởng về một cây cầu vượt biển đầu tiên trong hội nghị Quy hoạch phát triển Cần Giờ năm 2017.
TP.HCM luôn mong muốn có một cây cầu biểu tượng như cầu Cổng Vàng ở Mỹ.
Cầu vượt biển này sẽ được ví như cầu Cổng Vàng của TP.HCM, tương tự biểu tượng cầu Cổng Vàng Golden Gate Bridge ở San Francisco, Mỹ.
Tiếp đó, đến tháng 7-2019, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn về dự án làm cầu vượt biển dài 17 km nối với TP Vũng Tàu và cho biết huyện sẽ đề xuất với Sở GTVT TP về cây cầu này.
Hiện, Sở GTVT TP đã đưa vào hoạt động phà biển Cần Giờ để nối TP.HCM với Vũng Tàu, dịp tết năm nay, nhiều người dân cũng chọn phà biển này để đi Vũng Tàu du lịch từ TP.HCM.
Nhiều chuyên gia đánh giá nếu làm thì cầu vượt biển phải có những yêu cầu cao hơn như chống ăn mòn, chống xâm nhập mặn, chống bão… nên nhiều khả năng sẽ là cầu dây văng.
Ngoài đề xuất làm cầu vượt biển, HoREA cũng có nhiều đề xuất đáng chú ý về quy hoạch chung của TP.HCM. Các đề xuất gồm:
- Bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn: từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi), kết nối vào Quốc lộ 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, quốc lộ 13, Tỉnh lộ 8 tạo điều kiện phát triển đô thị khu vực Tây Bắc thành phố, tỉnh Tây Ninh), tỉnh Bình Dương), tỉnh Long An.
- Nghiên cứu bổ sung quy hoạch “thành phố Tây Bắc” trên cơ sở không gian huyện Củ Chi - huyện Hóc Môn hiện nay, để định hướng phát triển đô thị bền vững, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Nghiên cứu bổ sung quy hoạch đường sắt chuyên dụng chở hàng hóa (trên cao), kết nối ga Sóng Thần - cảng Cát Lái - cảng Cái Mép Thị Vải - cảng Hiệp Phước, để tách dòng xe container, xe tải nặng di chuyển trong đô thị hiện nay.
Theo Kiên Cường
Nguồn: Baomoi.com