Tin tức - Dự án nổi bật

"Siêu" cảng Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế

"Siêu" cảng Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế

 

Xây dựng Cảng Cần Giờ là chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước

 

Đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được lãnh đạo TPHCM giao cho Sở Giao thông vận tải TPHCM (GTVT) thực hiện, vừa được trình Thủ tướng Chính phủ giữa tháng 3/2024. Đề án đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng sau chuyến thị sát của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo TPHCM hôm 18/7/2023, trong đó còn có Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

 

Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là đặt trong lợi ích, chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước. Đồng thời phải xem cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và cảng Cái Mép - Thị Vải là một cụm cảng, không tách rời. Theo đề án, vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là vị trí ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, tối ưu cho cả trung chuyển nội địa và trung chuyển quốc tế.

 

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus). Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong và đưa vào hoạt động vào năm 2027).

 

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TPHCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Bên cạnh đó sẽ thu hút các dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.

 

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

 

Việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đặt trong chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước, bổ sung cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và nâng tầm toàn bộ cụm cảng biển số 4 thành một trung tâm cảng biển quốc gia, tầm quốc tế trong tương lai...

 

Tạo việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động tại cảng

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng đã được nhà đầu tư quan tâm, trong đó có hãng tàu lớn nhất thế giới MSC đề xuất đầu tư, mong muốn đẩy nhanh tiến độ để đón đầu xu thế vận tải biển. Họ đã cử chuyên gia tới Cần Giờ khảo sát, chọn vị trí làm cảng. Đây là cơ hội cho TPHCM thu hút nhà đầu tư có nguồn lực, trình độ công nghệ logistics tiên tiến từ các nước phát triển.

 

MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Hãng tàu có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEU/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu. Tại Việt Nam, MSC hiện có dịch vụ tới hệ thống các cảng container tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải... Hàng năm, đội tàu MSC vận chuyển hơn 1 triệu Teu hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam kết nối với các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á... MSC dự kiến phát triển mạng lưới nội Á của mình, cũng như tạo ra một trung tâm trung chuyển sẽ tổng hợp khối lượng hàng hóa hiện đang thực hiện ở các địa điểm Châu Á khác nhau.

 

MSC có kế hoạch di dời một phần hoạt động trung chuyển của hãng tàu về Việt Nam, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, hình thành trung tâm trung chuyển tại Việt Nam. Hiện hàng hóa tại các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines chủ yếu được trung chuyển tại Singapore hay Malaysia. Sau này, lượng hàng hóa này trung chuyển tại Cần Giờ, cự ly vận chuyển giảm khoảng 30 - 70% so với khi đến Singapore, giảm hơn một nửa chi phí.

 

 

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với mức đầu tư hơn 5,5 tỷ USD

 

Trước đó, từ tháng 7/2022, Chủ tịch Tập đoàn MSC đã sang thăm và báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề xuất đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo tính toán của các nhà hoạch định, "siêu" cảng Cần Giờ sẽ tạo công ăn việc làm cho 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động ở lĩnh vực hậu cần, ngành nghề khác...

 

Việc thành lập cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ cùng với phát triển mạng lưới vận tải trung chuyển, hình thành đầu mối giao thương hàng hải trong khu vực sẽ khuyến khích các hãng tàu khác thiết lập đầu mối trung chuyển tại khu vực, đưa cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ lên một tầm cao mới, định vị trên bản đồ hàng hải thế giới. Từ đó, kéo các công ty dịch vụ hàng hải, vận tải, logistics, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới... về đây để lập văn phòng, đặt trụ sở, thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính khu vực tại TPHCM.

 

Nguồn: VnExpress

Theo: Xuân Hạo